Diệu từ Paris sang Montréal thăm Trầm, cô em bạn mà Diệu đã quen trong những dịp làm văn-nghệ giúp vui cho đồng bào Tị-nạn trong trại tạm cư Créteil ngoại ô Paris. Tính đến nay đã hơn mười lăm năm rồi. Bây giờ Trầm đã có chồng, sanh được hai con và sinh sống tại nơi này hơn hai năm qua.
Xế trưa, vào đầu mùa hè mà trời hôm nắng, hôm mưa và nóng hầm, oi bức. Diệu mặc áo thun trắng và chiếc quần sọt cũng màu trắng và xách dù đi ra trung tâm Montréal để nhìn ngắm lại những đường phố cũ. Bởi năm sáu năm về trước, nàng thường sang đây lo công việc cho hãng H.P. nơi thành phố này. Dạo đó, Diệu chỉ giao thiệp với dân bản xứ, nàng chẳng có quen biết ai là người Việt Nam.
Diệu đang lang thang và ngắm nhìn những tiệm quần áo trong thương xá... nằm dưới hầm của đại lộ René Levesque. Tâm hồn Diệu đang bình lặng không gợn một chút buồn vui. Bỗng nàng nhìn phía bên tiệm quần áo đàn ông, nằm đối diện với tiệm quần áo đàn bà. Một người đàn ông Á-Châu, tuổi ngoài năm mươi cũng đang nhìn ngắm đồ trong tiệm. Vóc dáng của ông hơi gầy, cao vừa vừa, mái tóc muối tiêu, đôi mắt to tròn và sâu thẳm. Ông ngước lên nhìn Diệu. Hai người đi đến gần cùng gật đầu chào. Diệu mở lời hỏi trước:
- Xin lỗi ông. Có phải ông là người Việt Nam không?
- Dạ, phải. Còn bà?
- Tôi đang nói tiếng Việt với ông đây.
- Ha ! Tôi thật là ngớ ngẩn. Chắc bà từ xa mới đến đây?
- Dạ, đúng.
- Có phải bên làng Sàigòn-Nhỏ Cali. không?
- Dạ, không phải. Tôi đến từ Paris !
- Ô, vậy à ! Xin lỗi bà ! Paris chắc đẹp lắm phải không bà?
- Dạ, đẹp. Ông có viếng Paris lần nào chưa?
- Dạ, chưa ! Vì...
Diệu cướp lời:
- Vì bận gia cảnh hay công việc làm ăn chớ gì?
Ông kia ngập ngừng... rồi nói bằng một giọng nhẹ:
- Gia cảnh ! Không. Không phải vì gia cảnh, mà vì công việc thôi.
Diệu thoáng nghĩ và nhủ: ‘’Vậy là chàng tóc muối tiêu này không có vợ hoặc là tình duyên bị dang dỡ gì rồi? Trông gương mặt của chàng có nét hiền từ, ánh mắt buồn, nụ cười như gượng gạo. Chàng tên gì và làm gì cà?’’. Diệu đang nghĩ ngợi. Ông nhìn Diệu và hỏi:
- Bà đang suy nghĩ gì mà trông bà có vẻ đăm chiêu quá vậy?
Diệu giựt mình:
- Dạ, dạ. Tôi muốn hỏi ông tên chi? Còn tôi, tên Diệu.
- Diệu ! Tên của bà sao nghe buồn quá. Xin lỗi bà, từ hồi nãy giờ tôi cũng quên tự giới thiệu. Tôi tên Thế !
- Nguyễn Văn Thế phải không?
- Dạ, không. Trần Văn...
Diệu vuốt đuôi nhanh:
- Thế ! Mà Nguyễn, Trần, Lê gì cũng là nguyên thủy gốc Việt Nam !
Thế gật đầu và hỏi sang chuyện khác:
- Bà có mua sắm gì chưa?
- Dạ, chưa. Mà mua sắm làm chi. Tôi chỉ thích đi dạo để rửa mắt thôi !
Thế nghĩ: ‘’Mình cũng rảnh, vậy mình thử mời bà này đi uống nước’’. Ông mỉm cười và hỏi Diệu:
- Bà có bận gì không. Bà cho phép tôi mời bà đi uống cà-phê với tôi đàng kia được chứ?
- Dạ, được. Lòng vòng nãy giờ tôi cũng hơi khát nước rồi.
Trong lòng Thế nghĩ: ‘’Người đàn bà này ăn mặc và cử chỉ bên ngoài như Âu-Mỹ mà nói chuyện thì thật là Việt Nam’’. Thế chẳng biết nói gì, vì ông thuộc loại người ít nói. Nhưng chàng cũng phải mở lời:
- Hỗm rày đã vô hè. Dầu trời có mưa nhưng vẫn nóng bức. Bà thích nóng hay lạnh?
Diệu quay mặt qua và nói:
- Ai mà thích lạnh bao giờ ông. Ngày đầu qua đây trời nắng và nóng. Tôi rất thích. Vì bên Paris ít khi có nắng.
- Vậy thì bên Paris còn lạnh à?
- Dạ, vẫn còn. Lúc tôi đi trời lạnh hơn bên đây nhiều.
(...)
Thế và Diệu, hai ông bà đi song song và bước từng bước chậm lướt qua những cửa hàng trang trí thật sang trọng và đẹp đẽ. Tới quán cà-phê... Thế ga-lăng kéo ghế cho Diệu ngồi. Rồi đi ông vòng qua bên kia ngồi đói diện với Diệu. Thế ân cần hỏi:
- Bà dùng chi?
- Dạ, bia.
Thế ngước lên nhìn cậu bồi bàn đang đứng chờ, Thế nói:
- Cậu cho chúng tôi hai chai bia Hen-nơ-ken.
Cậu bồi bàn đi lấy bia và đem lại rót vào hai cái ly rồi bỏ đi. Thế xoa hai bàn tay, miệng mim mỉm cười và hỏi Diệu:
- Bà sang đây chơi được bao lâu rồi?
- Dạ, mới hai ngày.
- Chừng nào bà trở về Paris?
- Dạ, cỡ chừng mười ngày nữa.
- Nhanh vậy à !
- Dạ, vì tôi không thích bỏ nhà lâu.
- Hỗm rày bà viếng thăm những thắng cảnh nơi đây chưa?
- Dạ, chưa. Hồi trước, tôi có qua đây nhiều lần, nên bây giờ làm biếng đi xem lại, mà cũng chẳng cần thiết gì ông à !
- Bà có thân nhân ở đây chứ?
- Dạ, có, Tôi có quen cô em bạn lấy chồng nơi đây.
Diệu thấy cách xưng hô giữa nàng và Thế còn quá khách sáo, nàng nói tiếp:
- Sao mà ông Thế gọi tôi bằng bà hoài vậy?
- Thì... thì mới vừa quen... chị mà !
Diệu mỉm cười:
- Hết bà, rồi tới chị... Chắc ông thấy... nó già lắm hả?
Thế trở bộ ngồi, tay bưng ly bia lên hớp một hớp, rồi nói trỏng:
- Chắc chắn... nhỏ hơn tôi rồi ! Mà sao chị cũng gọi tôi bằng ông hoài !
- Được, được. Tôi đổi lại đây... Anh bao nhiêu tuổi?
- Ngoài năm mươi !
Thế chỉ tay vào Diệu, chàng tiếp:
- Còn... Xin lỗi, tôi hơi bất lịch sự hỏi tuổi đàn bà...
- Dạ, đâu có sao. Tôi nhỏ hơn anh chắc vài ba tuổi. Già rồi anh ơi !
Thế đưa ánh mắt diệu dàng nhìn Diệu:
- Tôi tưởng đâu... trẻ hơn nhiều nữa chớ !
Diệu đưa tay vén mái tóc đàng trước trán và chỉ cho Thế:
- Nè, tóc tôi nhuộm. Nếu không thì cũng trắng như tóc của anh đó. Anh lớn tuổi mà tóc của anh còn nhiều ghê hén !
Thế vừa nghe lời của Diệu khen mái tóc mình. Bất chợt chàng nhớ cảnh học tập, cải tạo ngày xưa. Ánh mắt của Thế quắc lên và nói một giọng mai mỉa:
- Tại nhờ tôi bị ăn rau muống với muối hột suốt mười bốn năm trời đó.
Diệu ngạc nhiên:
- Hả ! Anh nói cái gì mười bốn năm ăn rau muống?
Thế thở ra và gằn giọng:
- Học tập, cải tạo. Tù của Cộng-Sản Việt Nam !
Diệu vừa nghe Thế nói, nàng nghe trong lòng quặn thắt đau như vừa bị ai cắt đứt ruột. Đôi mắt nàng cũng quắc lên liền nói:
- Trời ơi ! Tụi nó dày anh dữ vậy sao? Thiệt là cái thứ tàn nhẫn... Chắc hồi đó anh là sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt-Nam Cộng-Hòa phải không?
- Không. Tôi không phải là lính. Mà tôi làm trong Bộ Thông-Tin - Tâm-Lý-Chiến !
- Trời ơi ! Hèn chi !
Thế và Diệu chuyện trò hỏi thăm nhau, và trao đổi địa chỉ mà đã hơn cả tiếng đồng hồ rồi. Hơn sáu giờ chiều, Diệu đứng lên cáo từ. Nhưng Thế không để cho Diệu đi métro về một mình. Chàng gọi người ta tính tiền. Trả tiền xong, chàng và Diệu ra xe, rồi trực chỉ đưa Diệu về tận cửa nhà của Trầm. Và họ hẹn nhau qua ngày sau sẽ liên lạc bằng điện thoại.
Diệu đứng trông theo chiếc xe và Thế khuất dạng, nàng đi vào nhà nhận chuông, Trầm ra mở cửa trên tay đang ẵm bé Vũ, còn bé Thu cũng chạy theo sau, Trầm tươi cười hỏi:
- Ủa, sao mà chị về tay không vậy, không mua gì hết sao?
- Mua cái gì bây giờ? Đi lòng vòng xem đồ cho vui mắt, mua sắm làm chi cho tốn tiền. Mà này, chị có chuyện vui lắm Trầm ơi !
- Vui ! Cha, chắc chị gặp ông Ca-na-điên nào rồi chứ gì?
- Không phải Ca-na-điên mà là Việt-nam-miên.
- Gặp cây nhà lá vườn, chắc chị thao thao bất tuyệt nói chuyện quê nhà hén ! €, mà dân ở đây hay dân du lịch vậy chị?
- Dân Tị-nạn nơi này. Chàng mới đưa chị về đó.
- Vậy à ! Sao chị không mời ông ấy vào cho biết nhà.
- Mới quen. Hơn nữa nhà của em làm sao chị dám mời?
- Ông ấy tên gì vậy chị?
- Tên Thế.
- Thế ! Ông ấy họ gì?
- Trần Văn Thế.
Trầm cười ha hả:
- Anh Thế quen với vợ chồng em.
- Em quen ! Trời đất ! Quen như thế nào vậy?
- Trong Cộng Đồng người Việt của mình. Ông ấy nghệ sĩ tính lắm.
Trầm và Diệu còn đang đứng ngay cửa nói cười thì Hưng, chồng của Trầm đi làm về tới, cậu hỏi:
- Sao không vô trong nhà nói chuyện mà đứng giữa cửa cười nói lớn dữ vậy?
Cả ba đều vào phòng khách, Trầm cười và khoe với chồng:
- Chị Diệu đi dạo phố vô tình làm quen với anh Trần Văn Thế.
Hưng có tánh hay nói giễu và phá, cậu nhìn Diệu và cười nói đùa đùa:
- Nè, anh Thế đang kiếm vợ. Còn chị thì ế... Thôi, nhào vô cho vui vẻ cuộc đời. Em thấy anh ấy với chị xứng đôi vừa lứa đó.
Trầm nguýt chồng:
- Anh này kỳ quá, cứ ghẹo chị Diệu hoài.
Diệu chêm vô:
- Ế, thì nói ế, chớ có gì sợ em. Tại chị chưa tìm được người đúng gu. Nè, ông này có vóc dáng coi khá được, tuổi tác thì xứng đôi vừa lứa và cùng đồng chung chí hướng, là không ưa Việt-Cộng. Nhưng còn tâm tánh hợp hay không thì chưa biết?
Hưng nói:
- Thì chị cứ thử lửa cho biết đá, biết vàng với người ta. Chớ chị ở vậy hoài riết rồi thành cây khô, hoa héo đó.
- Thì khô héo từ lâu rồi.
Trầm cười ngất rồi nói:
- Tối ngày chị cứ nói chị già hoài. Già yêu theo già chị ơi !
- Ừ, để tao coi, mới vừa quen người ta có mấy tiếng đồng hồ, ai hiểu được ai đây?
Hưng lắc đầu:
- Thôi, lát nữa ăn cơm xong rồi kể tiếp các bà ơi !
Hưng cười hắc hắc và ngâm mấy câu thơ chọc ghẹo Diệu:
Vầng trăng lơ lửng lưng trời,
Nơi này có cánh hoa cười ngất ngây.
Thả hồn theo gió mây bay
Hương tình thoang thoảng tỏa đầy nhà tôi...
Hưng ngâm thơ chọc Diệu, rồi tự vỗ tay cười và hỏi:
- Chị nghe em xuất khẩu thành thơ có hay không?
- Cha ! Nghe lãng mạn dữ đa !
Hưng tiếp:
- Chị Diệu ơi ! Qua đây ở cho gần gũi với tụi này đi.
Trầm cũng họa theo chồng:
- Được, được lắm. Anh Hưng nói đúng đó. Bỏ Paris đi chị ơi !
Diệu cười:
- Làm sao bỏ Paris được các em ! Vì đã có gốc rể bên đó rồi. Cây già mà bứng gốc thì có thể mau chết lắm đó các em à !
- Qua đây có anh Thế tưới nước, thì chị sẽ tươi lại liền.
Ánh mắt của Diệu long lanh gợn sóng tình và nghe nong nóng hai bên gò má, nàng hơi mắc cỡ, vội khoác tay:
- Thôi, đồ quỉ, phá tao hoài. Tối rồi, để chị xuống bếp lo cơm nước.
Vào cuối tuần, Hưng và Trầm đề nghị với Diệu làm một buổi dạ tiệc. Để mời các anh chị em nghệ-sĩ, và bạn bè quen thuộc trong Cộng Đồng Việt Nam tại Montréal. Họ đồng ý, bắt tay vào việc. Trầm nhấc điện thoại gọi mời...
(...)
Tại nhà hàng Hồng-Ngự, quan khách đến trên dưới khoảng năm chục người, đương nhiên là có cả Thế nữa. Hưng bảo Diệu đứng gần cửa để cậu giới thiệu bạn bè và quan khách.
Sau khi tiếp tân xong, vào bàn tiệc. Trong lúc đang ăn uống nói cười. Bất chợt có một ông đến trễ, Diệu nhìn thấy, nàng vội vàng ra dấu với Hưng. Hưng tươi cười đứng lên tiếp và dẫn ông khách đến giới thiệu cho Diệu. Diệu ngạc nhiên, vì người khách đến trễ ấy trông gương mặt ông sao quen quá. Nàng nghĩ: ‘’Sao ông này giống Nghiệp quá vậy cà? à, chắc người giống người !’’. Diệu vừa thoáng nghĩ thì Hưng nói:
- Đây là anh Lê Thanh Nghiệp !
Diệu giựt mình tự nhủ: ‘’Đúng là hắn rồi !’’. Diệu nghiêm mặt gật đầu chào. Nghiệp nhìn Diệu sững sốt, trong tic-tắc chàng nhớ ngay và hỏi nhanh:
- Xin lỗi, có phải bà tên là Nguyễn Thị Kim Diệu không?
Diệu nhìn Nghiệp, nàng nói một giọng chậm mà hơi gay gắt:
- Nó vẫn còn... sống đây !
Thế và Hưng ngớ ngẩn, Hưng hỏi:
- Ủa, hai người có quen hả?
Nghiệp và Diệu đồng nói:
- Từ thuở xa xưa !
Hưng ngoắt cậu bồi bàn chêm thêm chiếc ghế cho Nghiệp ngồi chung bàn. Diệu ngồi chính giữa Thế bên tay mặt còn Nghiệp bên tay trái. Diệu thấy hơi khó chịu, nhưng nàng nễ Hưng và mọi người nên đành im lặng cho Nghiệp ngồi kế bên nàng. Bấy giờ đầu óc Diệu đang quay cuồng nhớ về thuở cô còn là nữ sinh...
... Trời chiều, tháng hai tại Sàigòn, vào đầu thập niên 1960. Kim Diệu, một nữ sinh mười bảy tuổi đang học lớp đệ-nhị tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng. Diệu có sắc vóc rất xinh xắn và hấp dẫn. Vừa tan học, Diệu ôm cặp táp đi tà tà về phía nhà thờ Huyện-Sĩ. Nghiệp cũng là học sinh đang học lớp đệ-nhứt chung trường. Cậu cho chiếc xe Mô-bi-lết chạy chầm chậm sát lề đường và mở lời hỏi Diệu:
- Diệu có rảnh không? Mời Diệu lên xe, mình đi ra xa lộ Biên Hòa hóng mát !
Diệu đứng lại nhìn Nghiệp, miệng tủm tỉm cười duyên và trả lời:
- Được. Nhưng Diệu phải về nhà sớm. Nếu không thì Diệu bị chú thím rầy chết à !
- Rồi. Anh hứa sẽ đưa Diệu về sớm.
Nghiệp chở Diệu lên xa lộ. Dạo đó, xa lộ Biên Hòa đang còn thô thiển vì họ đang xây cất. Lên tới xa lộ, Nghiệp cho xe chạy thẳng vô vườn cao-su mà người ta đang khai phá, nên cây cối rất thưa thớt. Nghiệp ngừng xe, hai cô cậu đi bộ tà tà, thỉnh thoảng Diệu khom xuống ngắt mấy cành hoa dại. Cô nhìn đám cỏ nắng cháy khô rồi ngồi xuống. Nghiệp cũng ngồi theo. Bất chợt Nghiệp ôm Diệu và đè hôn môi túi bụi, làm chiếc áo dài trắng bằng vãi ba-tít-phin bung nút và Nghiệp nhanh nhẹn tháo gỡ móc sú-chen bật ra đưa nguyên cặp vú trắng trẻo và tròn trịa của Diệu. Nghiệp nhìn thấy, càng lên cơn mạnh bạo hơn, cậu muốn tiếng xa... Nhờ Diệu mặc chiếc quần gài nút hơi chật, nên Nghiệp không mở ra được. Diệu cố sức vùng vẫy và đứng lên được, cô cong giò đâm đầu chạy ra xa lộ. Cô nghĩ: ‘’Trời ơi ! Sao Nghiệp làm gì quái gở vậy. Mình phải thoát thân, mình đón xe khác về mới được. Nhưng sao không thấy chiếc xe nào cả?’’. Trong khi Diệu chạy thì Nghiệp cũng chạy theo gọi:
- Diệu ! Diệu ! Lên xe anh đưa về.
Diệu nghĩ: ‘’Xa lộ vắng người, vắng xe. Bây giờ mình phải hoãn binh, áng trận, nhẹ nhàng để Nghiệp chở mình về. Nếu không thì làm sao mà về nhà được bây giờ? Trời ơi !’’...
Diệu đang như người trong cơn mộng. Bỗng Thế quay sang hỏi:
- Sao chị... Diệu không ăn gì hết vậy?
Diệu hoàn hồn trở lại, nàng gượng cười và nói:
- Dạ, dạ... Tại tôi cảm động vì vui quá !
Hưng xen vào:
- Chắc chắn là chị Diệu vui rồi. Qua đây được quen anh Thế và hôm nay còn gặp lại người bạn cũ. Còn gì vui hơn phải không chị Diệu?
Diệu mím chặt đôi môi gật gật đầu. Nàng bưng ly Whisky pha sô-đa hớp và nuốt cái ực rồi mở xách tay móc gói thuốc lá lấy một điếu ghim vào đôi môi thoa son màu hồng quế mà châm lửa hít một hơi dài nhả khói và nói:
- Xin lỗi quý vị, cho tôi hút thuốc để giải tỏa sự đời !
Nghiệp vừa nghe những lời nói gay gắt của Diệu, làm trong người chàng nóng bừng lên, chàng nghĩ: ‘’Chắc Diệu vẫn còn ghim hận trong lòng mà không tha thứ cho mình cái chuyện ngày xưa. Còn xừ Thế này, hình như là chồng cũ của Ngọc. Và cũng có thể là người tình của Diệu hiện tại. Mình chỉ thoang thoáng nghe Ngọc nhắc tên, chớ nàng không hề cho mình thấy hình hay gặp mặt. Nhưng bây giờ thì Ngọc cũng bỏ... Montréal qua Mỹ rồi ! Gặp Diệu, mình nghe trong lòng khơi lại dĩ vãng và hình ảnh cái buổi chiều trên xa lộ năm xưa. Thật, mình là thằng con trai quá nông nỗi và ngu đần. Ngày ấy, sau khi sự việc không hay xẩy ra. Mình hết lời năn nỉ và xin lỗi nàng. Nhưng nàng nhứt định không tha thứ mình. Bây giờ vô tình gặp lại Diệu, ánh mắt của nàng vẫn còn hiện lên ghét giận mình. Chẳng biết mấy chục năm nay nàng có chồng hay không? Hay là vẫn ở vậy tới bây giờ? Ngày xưa, Diệu là cô nữ sinh có thân hình cân đối và rất hấp dẫn, cọng thêm đôi mắt u buồn, lãng mạn và rất đa tình, làm mình và bao chàng trai thanh niên thuở đó đều mơ mộng... Sau mấy mươi năm qua mà ánh mắt ấy vẫn còn nét cũ. Mặc dù tuổi nàng đã vào thu. Mình cảm thấy nàng không thích mình ngồi bên cạnh. Thôi, chắc mình cáo từ về sớm !’’.
Dạ tiệc, trong một không khí ồn ào, vui nhộn. Mọi người ăn uống xong, tiếng nhạc trổi lên. Những người thích nhảy, họ dẹp bàn qua một bên cho có chỗ trống để họ đưa nhau ra nhảy. Còn Nghiệp thì đứng lên cáo từ ra về trước.
Tàn buổi dạ tiệc, Diệu muốn về chung với vợ chồng Hưng và Trầm. Nhưng hai vợ chồng Hưng nói:
- Anh Thế phải đưa chị Diệu về mới đúng điệu đó.
Thế gật đầu sung sướng và tươi cười. Mọi người chào tạm biệt ra về...
Diệu ngồi trong xe của Thế. Hai người im lặng đôi phút. Diệu hỏi Thế:
- Nhà anh ở đâu vậy?
- Bên cầu Pierre Cartier.
- Vậy thì hơi xa nhà của Trầm và Hưng rồi. Thiệt làm mất công anh quá.
Thế chạy xe chậm lại và hỏi:
- Bộ... không thích tôi đưa về sao?
Diệu biết Thế hơi bất mãn, nàng nói nhanh:
- Đâu phải vậy anh Thế ! Em sung sướng và rất hân hạnh được anh đưa em về đó.
Thế chạy xe từ từ, sắp đến nhà của Trầm, chàng ngừng lại bên vệ đường dưới bóng cây. Trời về đêm ánh đèn đường không tỏ lắm. Diệu nghe lâng lâng trong lòng. Thế choàng tay qua vai Diệu. Diệu cũng ngả đầu vào... Hai người ôm nhau và trao nhau những nụ hôn nồng cháy như những cặp tình nhân còn trẻ. Sau khi những nụ hôn nồng nàn, Diệu còn trong vòng tay của Thế, nàng hỏi:
- Anh ở với ai?
- Với hai vợ chồng đứa con gái.
Diệu nín thinh vài giây... rồi nhìn lên bầu trời đang tối đen và nói một giọng như thất vọng:
- Thôi, khuya quá rồi, anh làm ơn đưa em về. Rủi vợ chồng Trầm và Hưng đã ngủ, kêu cửa ngại lắm !
Thế rút tay ra, ngồi ngay ngắn trở lại, chàng đề máy xe và trực chỉ phóng về nhà Trầm. Đến nơi, hai người nắm tay âu yếm từ giã. Diệu nhìn Thế bằng ánh mắt tình tứ, nàng nói:
- Hai ngày nữa em trở về Paris. Em sẽ viết thư cho anh. Hy vọng anh đừng quên em nha. Và nhớ viết thư cho em nữa à !
Thế ôm hôn nhẹ hai bên má của Diệu và nói:
- Anh nhớ mà. Làm sao anh quên em được.
- Anh lái xe cẩn thận và chúc anh ở lại bình an. Hẹn gặp anh tại Paris !
Thế gật đầu cười. Diệu xuống xe, nàng đứng chờ Thế cho xe chạy khuất dạng, rồi nhẹ bước vô nhà đưa tay nhận chuông...
Mười mấy ngày Diệu ở Montréal, nàng cảm thấy rất hạnh phúc. Vì được vui hưởng cái không khí gia đình của tình bạn và tình đồng hương thắm thiết. Cọng thêm trong lòng Diệu vướng vương đeo mang một hình bóng gầy gầy của Thế. Nàng cảm thấy rất yêu đời. Và cũng đã yêu Thế từ cái buổi đầu tiên gặp gỡ. Bởi tâm hồn của Diệu rất nhạy cảm.
Đến ngày Diệu trở về Paris. Ngồi trong máy bay hơn sáu tiếng đồng hồ mà hình ảnh của Thế cứ chập chờn bay nhảy trong tâm trí của nàng không một phút ngưng nghỉ...
Tưởng rằng tim đã giá băng
Nào ngờ tim lại khăng kkăng ươm tình
Nhớ thương chỉ một bóng hình
Phải chăng Tơ-Nguyệt đưa mình vào yêu?
Diệu vừa về tới nhà là nàng mở hộp thư. Thư từ báo chí và quảng cáo đầy ngập thùng thư. Lên nhà Diệu mở thư ra đọc. Trong số các lá thư có một lá của Ngọc, người bạn gái mà Diệu đã làm quen lúc đi chơi bên Mỹ mấy năm về trước. Tuổi họ đồng trang lứa. Diệu đọc:
Miami, ngày... tháng... năm...
Chị Kim Diệu thân mến,
Lâu quá mình không biên thư cho chị. Chị đừng buồn mình nghe. Tháng tới mình sẽ qua thăm viếng Paris. Chị có đi hè đâu không? Minh muốn ở nhà chị được không? Có gì mình sẽ điện thoại trước khi qua. Hoặc chị liên lạc với mình bằng e-mail.
Ok, chúc chị bình yên và vui vẻ. Mai mốt mình gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Thân mến
Như Ngọc
Đọc xong lá thư của Ngọc, Diệu nhủ:‘’Bà nội này, hồi năm đầu thư từ liên miên. Mãi đến nay là cả năm mới biên thư cho mình. Thôi, thì chút khuya mình e-mail cho bã mới được’’.
Từ ngày Diệu trở lại Paris, nàng và Thế thường xuyên liên lạc qua lại bằng e-mail và có đôi khi họ gọi nói chuyện tình tự yêu nhau qua bằng điện thoại. Cuộc tình giữa hai người rất muồi mẫn và thắm thiết. Vì e-mail sao bằng nói chuyện qua điện thoại, mà điện thoại làm sao bằng gặp mặt nhau. Chỉ một tháng sau Thế chịu hết nỗi. Nên chàng nói với Diệu là chàng sẽ bay qua Paris lối đầu tháng tám.
Diệu lo dọn dẹp và trang hoàn lại nhà cửa để đón tiếp Thế và Ngọc. Nhà nàng có ba phòng ngủ.
Ngọc qua Paris trước, trong mấy ngày nàng và Diệu tâm sự bao chuyện đời. Diệu hỏi chuyện riêng tư của Ngọc:
- Chị nói chị đã ly dị chồng. Anh ấy bây giờ ở đâu?
Ngọc thở ra và nói:
- Ổng ở bên Canada với đứa con gái vừa lấy chồng.
- Anh ấy tên gì?
- Tên Thế.
- Thế !
Diệu ngạc nhiên và hỏi tiếp:
- Hồi trước, bên nhà ảnh làm gì?
- Ổng làm cho bộ Thông Tin.
Diệu vừa nghe, nàng giựt mình hỏi lại:
- Bộ Thông Tin?
- Ủa, sao chị ngạc nhiên quá vậy chị Diệu?
- à, không có sao. Chị kể tiếp đi.
- Vì vậy, ổng bị đi học tập mười mấy năm mới được tụi Cộng Sản Việt Nam thả ra. Hồi đó, mấy tháng sau khi mất Sàigòn. Anh Thế bị cầm tù. Mình lại đành đoạn bỏ chồng con mà đi vượt biển. Nhưng cũng may là được tàu Canada vớt. Ở đó một thời gian sau thì mình được nhập quốc tịch. Nhờ thế, mình mới bảo lãnh ổng và đứa con gái qua bễn.
Diệu đưa ánh mắt diệu dàng và đầy cảm động nhìn Ngọc và nói:
- Lúc ấy, ai mà không hốt hoảng lo thoát thân. Nhưng đối với tôi, thì chị là một người đàn bà có đầy tình nghĩa.
Ngọc rươm rướm nước mắt, nàng ngước nhìn lên trần nhà, thở ra và nói:
- Mình tự thấy xấu hổ, là mình không thủy chung với anh Thế.
Diệu thông cảm tình cảnh của Ngọc, nàng nói lời an ủi:
- Chị đừng nên tự trách mình. Vì ‘’Nhơn vô thập toàn’’ mà chị. Ai mà không có những giây phút yếu lòng và sa ngả !
Ngọc với tay rút khăn giấy chậm nước mắt và nói một giọng buồn:
- Mình hy vọng anh Thế sẽ gặp được một đàn bà hiền và chung thủy.
Diệu nghe Ngọc kể, nàng đoán chắc là Trần Văn Thế rồi. Nàng nghe trong tim nhói đau như đang rạng nứt cái gì tận đáy lòng. Diệu nghĩ: ‘’Nếu sự thật là vậy, thì mình sẽ tìm cách bắt cầu Ô-Thước cho Ngọc và anh Thế trở lại với nhau. Mình nghe tim mình yêu Thế thật. Nhưng tình yêu này nó phát xuất từ cái xúc động, chua xót phận làm người. Chớ chẳng phải là mối tình cuồng dại của tuổi trẻ. Đây cũng là một trong những hàng ngàn hoàn cảnh đã xẩy ra tương tựa. Bởi vì thời thế và chiến cuộc tạo lên mà thôi. Mình tin tưởng ơn trên sẽ giúp mình đoạt thành ý nguyện này !’’. Diệu nghĩ và nhủ thầm trong lòng xong. Nàng quay sang vuốt vai Ngọc và nói:
- Chắc chắn rồi. Anh Thế sẽ làm lại cuộc đời và được hạnh phúc hơn xưa. Dù sao ảnh cũng đã trải qua nhiều kinh nghiệm sống, thì đương nhiên ảnh sẽ biết lựa chọn.
Nói đến đây Diệu nín thinh vài giây, rồi nhanh nhẹn hỏi Ngọc:
- À, mà có phải ảnh tên Trần Văn Thế không vậy chị?
- Đúng rồi ! Ủa, sao chị biết?
Diệu đứng dậy đi đến học tủ lục soạn trong mấy bao hình còn để nguyên chưa bỏ vào album. Nàng rút ra một tấm hình của Thế, rồi trở lại vừa đưa cho Ngọc xem vừa hỏi:
- Nè, phải người này đây không?
- Ủa, chị quen với anh Thế hả chị Diệu?
- Mới quen trong chuyến đi Canada thăm cô em bạn tên Trầm mấy tháng trước đây thôi. Vài ngày nữa anh Thế sẽ qua đây gặp mình.
- Trời ơi ! Sao chị không cho mình hay trước?
Trong tim của Diệu nghe nằng nặng một cái gì. Nhưng nàng vẫn cố đè nén, trấn tĩnh. Nàng mỉm cười trả lời câu hỏi của Ngọc:
- Biết ngứa chỗ nào đâu mà gải. Bao nhiêu lá thư của hai đứa mình, toàn là kể chuyện hồi còn trẻ ở Sàigòn. Hai đứa, chẳng đứa nào hỏi chuyện tình cảm riêng tư. Nhưng mình hỏi thật với chị Ngọc nghe !
- Chuyện gì vậy chị Diệu?
- Chị còn thương anh Thế không? Hãy nói thật lòng mình đi, chớ đừng có dối lòng nghe.
Ánh mắt của Ngọc gợn buồn nhìn xuống đất, nàng nói nhè nhẹ:
- Thương... thì vẫn còn thương. Nhưng đã lỡ hết rồi chị Diệu à !
- Lỡ gi? Lỡ như thế nào?
- Bây giờ anh Thế đã có chị. Còn mình... Lúc mình bảo lãnh anh Thế qua, mình có dang díu với một người đàn ông khác ở bên Montréal.
- Bây giờ chị còn với ông ấy không?
- Hết rồi !... Mình với Nghiệp đã bỏ nhau hơn hai năm nay. Cho nên mình mới đi qua Mỹ...
Diệu giựt mình thốt lên:
- Nghiệp ! Trời ơi ! Có phải ông Lê Thanh Nghiệp bên Montréal không?
- Chị cũng quen luôn với ông ấy nữa sao?
Diệu cười và ánh mắt long lanh thương ghét lẫn lộn, nàng thò tay rút một điếu thuốc ghim vào đôi môi, chăm lửa và hút một hơi dài, nàng nói:
- Giữa mình với Nghiệp có một chuyện quái đảng lắm, nó ám ảnh và ghi khắc mãi trong tâm khảm mình. Vì vậy mà mình ghét hắn suốt đời. Còn... anh Thế... thì mình thương quý ảnh suốt đời. Biết rằng lòng mình cũng cảm tình với anh Thế nhiều lắm. Nhưng cái tình của mình bây giờ là không phải tình yêu trai gái như hồi còn trẻ nữa. Mà mình mong muốn cho tất cả mọi người trên thế gian đều được bình an và hạnh phúc. Niềm vui ấy, mình đã tìm thấy trong những tháng ngày sống cô độc.
Ngọc thở ra và tiếp lời của Diệu:
- Có lẽ Nghiệp làm điều gì nặng nề lắm nên chị không muốn lấy chồng chứ gì?
Diệu nhếch miệng cười gượng, mắt nhìn xa vắng qua cửa sổ, nàng nói:
- Cũng có thể là vậy ! Lấy chồng ! Khó lắm chị Ngọc ơi ! Bởi mình cũng đã già và quen sống độc thân từ hồi nào tới giờ rồi !
- Thì cứ lấy chồng thử một lần coi.
Diệu mỉm cười:
- Có lấy thì lấy thiệt, chớ ai mà lấy chồng thử bao giờ. Thôi, chị hãy kể tiếp chuyện của chị đi, chớ đừng lo cho tôi.
- Chị biết không, từ ngày mình bảo lãnh anh Thế qua Canada. Nghiệp ghen ngược và hay đánh đập mình, nên mình...
Diệu vừa nghe, nàng nổi nóng cướp lời của Ngọc nhanh:
- Nên chị bỏ hắn mà đi qua Mỹ chứ gì? Thật là cái thứ vũ-phu không chừa !
- Đúng vậy ! Nghiệp có tâm tánh cộc cằn và vũ phu. Còn anh Thế, thì rất hiền hòa. Nếu chị và ảnh lấy nhau. Chắc chắn hai người sẽ được hạnh phúc. Thật là trái đất tròn phải không chị? Không ngờ ông trời cho xoay lanh quanh rồi mình quen nhau trong một hoàn cảnh tréo cẳng ngỗng.
Diệu đáp:
- Có gì đâu là tréo cẳng ngỗng chị Ngọc?
- Thì... thì tình yêu của chị ! à chị với anh Thế tình cảm tới đâu rồi. Kể cho mình nghe được không?
Ánh mắt của Diệu vụt sáng lên, nàng cười cười:
- Chỉ có nắm tay, sơ muối phớt phớt qua. Và... và có nói chuyện yêu đương qua điện thoại thôi. Còn... cái vụ khác thì chưa đụng đến.
Ngọc nhìn Diệu bằng cặp mắt nghi ngờ. Diệu đoán được, nhìn Ngọc nàng tiếp:
- Chắc chị Ngọc không tin những gì mình vừa nói với chị chứ gì?
Ngọc nghe thẹn lòng, nàng trả lời:
- Chuyện khó tin, nhưng mình tin chị đó.
- Tùy chị ! Để chờ anh Thế đến đây, mình sẽ bắt cầu cho hai người trở lại. Vì vẫn chưa muộn màng mà chị Ngọc ! Dù sao đi nữa, giữa chị và anh Thế cũng đã có con với nhau...
Một tuần lễ trôi nhanh. Tới ngày Thế đi, chàng gởi e-mail cho Diệu biết giờ và chuyến bay số mấy để nàng lên phi trường rước chàng. Diệu bảo Ngọc đi theo. Mới đầu Ngọc chần chừ, rồi cuối cùng nàng cũng đi.
Thế vừa tới chỗ lấy hành lý. Xa xa ngoài rào kiếng, chàng nhìn thấy Diệu và Ngọc đang tươi cười đưa tay ngoắt chàng. Thế giựt mình hết hồn, chàng muốn quay lại lên máy bay trở về Canada liền. Nhưng chàng nghĩ: ‘’Qua tới đây rồi thì Diệu là người yêu của mình. Mắc gì mình phải sợ ai chứ !’’. Thế cố ráng giữ thái độ bình tĩnh và kéo va-li đi ra. Thế gặp lại người vợ cũ và người tình mới, chàng gượng gạo tươi cười chào hỏi và theo Diệu xuống hầm lấy xe trực chỉ về nhà nàng. Diệu cho Thế một phòng ngủ riêng.
Mấy ngày trôi qua, Diệu đưa Ngọc và Thế đi viếng nhiều thắng cảnh Paris. Thế nghe lòng nửa vui, nửa bực. Vì sự có mặt của Ngọc. Diệu đọc được tâm trạng của Thế. Một hôm Diệu nói với Ngọc, là nàng muốn mời Thế đi ăn riêng để nàng dễ dàng nói chuyện. Ngọc vui vẻ bằng lòng, và thầm cám ơn Diệu.
Diệu lái xe đưa Thế ra nhà hàng Hạnh-Phúc ở ngoại ô Paris. Nhà hàng nằm trong một khu vườn rộng, phong cảnh rất hữu tình. Mà Thế và Diệu mỗi người mỗi ý nghĩ khác nhau. Trong khi ngồi ăn, Diệu mở lời:
- Anh Thế à ! Chị Ngọc vẫn còn thương anh lắm. Anh nên từ tâm bỏ qua bao chuyện cũ mà nối lại tình xưa đi nha.
Thế lõ cặp mắt to tròn nhìn Diệu trân trân. Diệu tiếp:
- Xin lỗi anh ! Em không dám dạy đời anh đâu nha... Vì giữa em và anh thì tình chưa nặng, nghĩa cũng chưa sâu. Em muốn anh...
Thế nhìn Diệu bằng đôi mắt hơi trách hờn và hỏi nhanh:
- Bộ mấy tháng nay em giỡn chơi với anh đó hả Diệu?
Diệu bình tĩnh nhẹ giọng:
- Không. Em không đùa giỡn tình yêu bao giờ. Em yêu anh thiệt đó chứ. Nhưng mình chưa sống chung với nhau. Còn ở xa xa thì tình đẹp lắm. Vậy thì mình hãy giữ gìn cái tình đẹp ấy đi. Hơn nữa lấy chồng vào tuổi gần sáu mươi. Sao em lo sợ quá ! Vì em là người đàn bà chưa bao giờ biết làm vợ...
Thế ngước lên nhìn trần nhà. Chàng nói một giọng buồn:
- Em thiếu tự tin hoặc em không thật lòng yêu anh, nên em mới nói vậy. Hay là tại vì có Ngọc mà... mà...
Diệu cướp lời:
- Anh đừng nói vậy ! Không tại vì ai cả. Mà tại lòng em nó bảo em làm vậy. Vì dù sao đi nữa, Ngọc cũng là vợ cũ của anh, là mẹ của con anh. Ngọc là người đàn bà có đầy tình nghĩa đối với anh. Dù Ngọc có lỡ lầm lấy ai trong lúc anh bị cầm tù. Nhưng nàng vẫn lo bảo lãnh cho anh và con ra khỏi ngục tù Cộng Sản. Ngọc nói với em, là nàng còn thương anh lắm. Sao anh không mở lòng đón nhận nàng về với anh và con?
Thế nói nhanh:
- Em cứ biện hộ cho Ngọc hoài.
- Biện hộ gì đâu. Em nói thật với lòng em mà.
Thế im lặng, Diệu đưa mắt nhìn ra ngoài vườn có vài cánh bướm đang lượn quanh đám hoa hồng đỏ rực dưới ánh nắng mùa hè đang lay lay trước gió. Diệu nhẹ giọng và nói tiếp:
- Nói thật với anh, đời của em cũng thoáng qua vài mối tình, nhưng chẳng lần nào toại nguyện. Có lẽ tại số của em phải sống cô đơn ! Hoặc là em sợ làm vợ !
Thế nghe Diệu nói, chàng ra chiều suy nghĩ rồi hỏi Diệu:
- Thật sự hiện tại, em không có ai chứ?
Diệu lắc đầu mỉm cười và nói:
- Ngoài anh ra, em có ai đâu ! Anh đang ở trong nhà em mà !
- à há ! Anh thật lẫn thẫn !
Diệu gắp đồ ăn bỏ vô chén của Thế, nàng nói:
- Anh ăn cơm đi chứ !
Thế đáp lại:
- Em cũng ăn với anh nữa chứ !
Dường như Thế và Diệu, hai người được giải tỏa chút ít gì trong lòng. Họ dùng cơm xong, trả tiền và ra về.
Mấy ngày đêm liên tiếp, Diệu suy nghĩ và tìm cách giàn cảnh cho Ngọc và Thế đối mặt gặp nhau riêng ở nhà nàng. Hôm ấy, Diệu diện cớ đi thăm một nữ Cư Sĩ già ở ngoại ô Paris. Nàng để lại trên bàn một lá thư gởi cho Thế...
Vẫn chưa muộn màng anh ơi !
Dang tay đón nhận, nụ cười thắm tươi
Chúc anh hạnh phúc tuyệt vời
Tình xưa nghĩa cũ xây đời ấm êm.
Kết Thúc (END) |
|
|